BFC- Hình thành xu hướng tăng

{{article.Date | newsDate}} | Thích

Sau 2 tuần tích lũy đi ngang, cổ phiếu BFC đã tăng mạnh trong 2 phiên vừa qua, đường giá vượt lên trên đường bollinger band, điều này củng cố xu hướng tăng giá trung và dài hạn.

CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) được thành lập từ năm 1973 với tên gọi là Công ty Phân bón Thành Tài (Thataco). Năm 2003, Công ty được chuyển thành Công ty phân bón Bình Điền, trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), cổ phần hóa vào năm 2011 và chính thức niêm yết trên sàn HOSE vào tháng 10/2015.

Hiện BFC là doanh nghiệp chiếm thị phần hàng đầu Việt Nam về phân bón hỗn hợp NPK, đặc biệt là khu vực miền Nam (28%), thị phần miền Trung và miền Bắc đều khoảng 10%. BFC còn sản xuất kinh doanh các loại phân bón vô cơ, hữu cơ, vi sinh, vi lượng, các chất điều hòa tăng trưởng cho cây trồng và vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật... Công ty có hơn 100 loại sản phẩm phù hợp với từng loại đất và chuyên dùng cho từng loại cây trồng như lúa, cà phê, cao su, mía, cây ăn trái, các loại rau…giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản. Trong đó, nổi tiếng nhất là thương hiệu phân bón Thương hiệu Đầu Trâu đã gắn bó với người nông dân trong suốt thời gian dài. Các sản phẩm của Công ty không những được phân phối rộng rãi khắp cả nước mà còn xuất khẩu sang một số nước trong khu vực: Lào, Campuchia, Myanmar…

Hiện tại, BFC có 5 nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cung ứng cho cả nước. Tổng công suất hiện tại của 5 nhà máy là 925.000 tấn/năm. Khi giai đoạn 2 của nhà máy Bình Điền - Tây Ninh và Bình Điền - Ninh Bình hoàn tất, tổng công suất toàn Công ty sẽ là 1.175.000 tấn/năm. Theo đó, nhà máy Bình Điền - Long An phụ trách cung ứng sản phẩm cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và xuất khẩu sang các nước như Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Nhà máy Bình Điền - Lâm Đồng cung ứng sản phẩm cho khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Trong khi đó, nhà máy Bình Điền - Quảng Trị phụ trách khu vực Bắc Trung Bộ và xuất khẩu sang Lào.

Tháng 10 năm 2015, BFC đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy sản xuất Phân bón Bình Điền Ninh Bình. Nhà máy có công suất thiết kế là 400.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư vào khoảng 500 tỷ đồng. Với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền – Ninh Bình chia làm 2 giai đoạn thực hiện, cụ thể: Giai đoạn 1: thực hiện xây dựng nhà máy sản xuất phân bón NPK và phân trộn, công suất 200.000 tấn/năm, với vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Giai đoạn 2 thực hiện xây dựng tiếp nhà máy sản xuất phân bón NPK và phân khoáng hữu cơ, công suất 200.000 tấn/năm, với vốn đầu tư 145 tỷ đồng. Như vậy, với công suất này, Công ty CP Bình Điền Ninh Bình có thể phục vụ cho cả thị trường rộng lớn phía Bắc, bao gồm các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra.

Tháng 12 năm 2015, CTCP Phân bón Bình Điền MeKong đã khánh thành Nhà máy sản xuất phân bón NPK và thuốc Bảo về thực vật Bình Điền - Tây Ninh, chuyên cung ứng sản phẩm cho miền Đông Nam Bộ và xuất khẩu sang Campuchia. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 3,2 ha với tổng vốn đầu tư là 120 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của nhà máy đã được hoàn thành với vốn đầu tư là 60 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 1,5 ha, công suất mỗi năm là 50.000 tấn phân NPK phức hợp, 2.000 tấn phân bón lá dạng nước và dạng bột, và 1.000 tấn thuốc bảo về thực vật. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2017 với công suất 100.000 tấn sản phẩm các loại, đồng thời đưa dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ có công suất 40.000 tấn/năm vào hoạt động.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của BFC đạt 4.494 tỷ đồng giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do tác động kéo dài của tình trạng hạn hán tại khu vực Tây Nguyên. Tuy sản lượng tiêu thụ có giảm, nhưng do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm khá mạnh giúp giá vốn hàng bán giảm 6,86% xuống 3.828 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp trong 9 tháng đầu năm 2016 tốt hơn so với cùng kỳ đạt 666,45 tỷ đồng ( biên lợi nhuận gộp ở mức 14,83%). Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi ròng của BFC đạt hơn 255 tỷ đồng tăng 26,86% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 196 tỷ đồng, EPS 9 tháng tương ứng đạt 3.783 đồng/cp.

Trong năm 2016, BFC đặt kế hoạch sản xuất là 656.000 tấn và kế hoạch tiêu thụ là 675.000 tấn. Theo đó, sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ trong quý 3 năm 2016 đạt 160.878 tấn tăng 8,6% so với cùng kỳ và 153.630 tấn giảm 3,7% so với cùng kỳ. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, sản lượng sản xuất của Công ty đạt 470.841 tấn, 15,1% cao hơn cùng kỳ năm trước và sản lượng tiêu thụ là 472.531 tấn, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ. Như vậy sau 9 tháng, Công ty đã hoàn thành 71,8% kế hoạch sản lượng sản xuất và 70% kế hoạch sản lượng tiêu thụ. Bên cạnh đó, HĐQT của doanh nghiệp cũng đã thông qua kế hoạch sản xuất cho quý 4 là 167.559 tấn và chỉ tiêu tiêu thụ là 160.624 tấn.

Với kết quả khả quan, BFC thông qua việc tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2016 với tỷ lệ tiền mặt 20%. Ngày 25/11/2016 đã chốt danh sách cổ đông và ngày chi trả 12/12/2016. Với hoạt động kinh doanh khả quan, năm 2017 BFC tiếp tục chia 50% cổ tức bao gồm tiền mặt và cổ phiếu.

Chúng tôi cho rằng hoạt động bán hàng của BFC sẽ tích cực trở lại trong quý cuối năm, chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ NPK năm nay của BFC đạt 620.000 tấn ( đạt 92% kế hoạch năm). Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2016 tăng trưởng lần lượt 1,6% và 13,5% so với cùng kỳ, đạt tương ứng 6.200 tỷ đồng và 260 tỷ đồng, EPS năm 2016 đạt 4.548 đồng/cp. Hiện tại, BFC đang giao dịch ở mức P/E là 6,72 lần, thấp hơn nhiều so với P/E thị trường (15,x lần). Với mức EPS như trên, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu tại vùng giá hiện tại.